Đố vui trước giải Superkids
Câu đố dành cho bảng STARTERS:
Harun Al Rashid là vị vua thứ 4 của vương triều Abbasid, đế quốc Ả Rập. Khi ông vừa thừa kế ngai vàng thì đất nước đối diện với hiểm họa xâm lăng từ đội quân của Kazir-Vua Hắc Ám. Giữa trận chiến ác liệt quyết định số phận của vương triều Abbasid thì vua Kazir bất ngờ đọc thần chú tàng hình và biến mất. Tuy Harun không nhìn thấy được Kazir nhưng ông vẫn có thể chiếu bí đối phương trong vòng 1 nước. Bạn có biết đó là nước nào không ?
Câu đố dành cho bảng CHAMPIONS:
Thụy Điển có rất nhiều vị vua tài ba, kiệt xuất; một trong những vị vua đó là Charles XII. Ông lên ngôi vào thời điểm đất nước đối diện với thù trong giặc ngoài. Vương quốc của ông có một kẻ thù nguy hiểm là đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), một đế quốc có tham vọng bành trướng và thôn tính lãnh thổ.
Năm 1713, vua Charles XII bị quân Thổ vây hãm tại thành Bender. Giữa thời điểm giao tranh ác liệt, để bớt căng thẳng nhà vua gọi tể tướng Grothusen hầu cờ. Khi ván cờ giữa nhà vua và tể tướng gần đến hồi kết, ông chỉ vào bàn cờ rồi vuốt râu mỉm cười tuyên bố:
“Ta sẽ chiếu bí khanh trong 2 nước đấy nhé!”
Với vẻ mặt kiêu hãnh, vua Charles rướn người, định thực hiện nước đi. Thì bất ngờ, một viên đạn của đối phương từ bên ngoài băng qua tường thành, bay vào giữa bàn cờ và làm vỡ tung quân xe ở g4. Trong khi tể tướng Grothusen tỏ ra vô cùng hoảng hốt, nhà vua vẫn điềm nhiên, không rời mắt khỏi bàn cờ, nói:
“Tể tướng, khanh may mắn đấy. Nhưng này, ta không cần quân xe ấy đâu, ta vẫn có thể chiếu bí khanh trong 3 nước.”
Thế nhưng, ông chưa kịp xuống tay thì một viên đạn lạc của quân Thổ lại bay vào, hất văng quân mã trắng ở ô e1 ra khỏi bàn cờ. Như không có chuyện gì xảy ra, vua Charles XII vẫn ung dung bảo tể tướng thay quân mã khác vào để mình đi tiếp. Nhưng rồi bất chợt ngài đổi ý, xua tay:
“A ha, không cần đâu! Trẫm sẽ ban cho khanh con mã đó. Nhưng không có nó trẫm vẫn chiếu bí khanh trong vòng 4 nước!”
Vua Charles XII vừa dứt lời thì lại một viên đạn khác trượt đến bắn vỡ quân tốt trắng ở h2 thành nhiều mảnh. Grothusen mặt cắt không còn giọt máu, vội vàng can nhà vua:
“Tâu bệ hạ, tình thế quá nguy hiểm, xin bệ hạ hãy lui vào trong, không nên chơi ván cờ này nữa!”
Nhà vua vẫn bỏ ngoài tai, mê mải nhìn chăm chăm vào bàn cờ. Rồi ngài ồ lên thích thú, vỗ vai tể tướng:
“Đừng có hèn nhát như vậy chứ! Những người bạn Ottoman ở ngoài tường thành xem ra rất thích giúp đỡ tể tướng ông đấy. Với sự rộng lượng của một nhà vua, lần này trẫm chấp khanh thêm con tốt đó, ta vẫn có thể chiếu bí khanh trong vòng 5 nước!”
Grothusen thật sự đã rất khiếp đảm rồi. Nhưng vì vừa bị phê bình nên cũng tỏ ra cứng cỏi mà tiếp lời nhà vua:
“Thưa bệ hạ, có lẽ may mắn không thật sự đứng về phía thần như ngài nói đâu! Giá mà ngay từ đầu, cả 2 quân xe của bệ hạ bị bắn rơi chứ không phải là xe và mã thì chắc là…”
Không để tể tướng dứt lời, vua Charles vỗ tay và nói đầy quả quyết:
“Thế thì ta vẫn sẽ chiếu bí khanh trong vòng 6 nước!”
Nói đoạn, vua Charles một mực bắt tể tướng ngồi vào bàn, lần lượt lấy các quân bị bắn vỡ gắn vào bàn cờ trở lại rồi ngài thực hiện lại các chuỗi nước đi: chiếu bí trong vòng 2, 3, 4, 5 và 6 nước. Dù khi đó bên ngoài thành, tên bay đạn lạc khắp nơi. Trở lại câu chuyện. Sau khi chơi xong ván cờ kinh dị, vị tể tướng Grothusen mất hết can đảm, ông trốn ra ngoài đầu hàng quân Ottoman vào ngày hôm sau.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Mãi về sau, một hậu duệ của nhà vua lật lại sử sách và tình cờ đọc được giai thoại của cụ tổ mình. Anh còn phát hiện ra một điều thú vị: nếu như trong loạt đạn sau cùng, tốt g2 bị bắn trúng thay vì tốt h2 thì nhà vua vẫn có thể chiếu bí đối phương trong 10 nước !